Khóc thì có sao

“Khi các con khóc, cô giáo phải thử một triệu cách. Làm sao để trẻ tin mình, tin vào những người bạn xung quanh, tin vào ngôi trường mà các con sẽ gắn bó mỗi ngày”, cô Phạm Ngọc Châm, giáo viên Little Em’s Pre-school chia sẻ.

Có ai lục lọi được trong ký ức bé thơ mờ nhạt của mình những trải nghiệm của ngày đầu đến trường. Từ vòng tay ấm áp của mẹ, của ba, của những người thân trong gia đình, chúng ta – khi ấy là những đứa trẻ đầy những-lần-đầu-tiên – đã bỡ ngỡ biết bao khi đứng giữa một môi trường hoàn toàn mới lạ. Khi đó, “đặc điểm lứa tuổi khiến chúng ta chưa hiểu được cơ thể của mình và của người khác là hai cơ thể khác nhau. Mẹ và mình là một, tại sao mẹ lại rời đi? Mất mát này là quá to lớn, và đó là tất cả những gì chúng ta cảm thấy”, cô Châm nói.

LE family
Trước giai đoạn “mỗi ngày đến trường là một niềm hạnh phúc”, chúng ta luôn có những ngày tháng chênh vênh lạc lõng để thích nghi với môi trường mới.

Có thể nói, tất cả các con sẽ đều khóc trong những ngày đầu đi học, dù chúng ta đã chuẩn bị tốt bao nhiêu. Học trò ở Little Em’s Pre-school cũng không phải ngoại lệ. Có bạn khóc cả ngày, có bạn khóc nhiều ngày liền, còn có bạn đã nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, dành thời gian của mình để quan tâm những bạn khác còn đang đắm chìm trong nỗi nhớ nhà.

Ở một số nơi và đối với một số người lớn, khóc là một hành vi của trẻ con cần được chấm dứt. Tuy nhiên, khóc là một cách biểu đạt cảm xúc hết sức bình thường và lành mạnh, nó cần thiết trong giai đoạn chập chững vào đời của trẻ. Điều đó thể hiện chúng ta không dễ dàng tách rời với gia đình của mình, và chúng ta thật lòng yêu thương người thân của mình.

Trong cách tiếp cận Reggio Emilia Approach®, trẻ là một thành phần của cộng đồng Reggio Emilia – nơi chúng được dẫn dắt bởi những trẻ lớn hơn và sẽ trở thành một “big kid” để tiếp tục chào đón, quan tâm chăm sóc những bạn nhỏ mới đến.

Bạn bè đồng trang lứa và môi trường tự nhiên sẽ là những yếu tố lau đi những giọt nước mắt nhớ mẹ, nhớ ba để tự bắt đầu hành trình khám phá thế giới của riêng mình.

Do đó, tại Little Em’s Pre-school, đứng trước những giọt nước mắt và ánh mắt “đau thương” hướng về cánh cổng, giáo viên luôn hiểu rằng điều quan trọng là cần xây dựng niềm tin nơi trẻ, khiến trẻ hiểu rằng đây là một nơi đầy sự quan tâm với những con người đáng tin cậy và luôn yêu thương.

Trẻ em cần nhiều điều hơn chỉ là khả năng gắn bó an tâm (secondary attachment). Những hành vi xã hội bao gồm chăm sóc và đáp ứng sẽ mang đến cho trẻ sự an toàn, tình bạn, sự công nhận, sự nhận diện, cảm giác thuộc về nơi nào đó và cơ hội để trở nên hữu ích, thậm chí chăm sóc tiếp tục cho những thành viên khác.

Do đó, các giáo viên tại Little Em’s Pre-school thường dùng cách lắng nghe tích cực (active listening). Đây là một kỹ thuật hiệu quả để trẻ hiểu rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng được tôn trọng, được thấu hiểu và chấp nhận. “Active listening” giúp nhận diện những vấn đề nằm ẩn dưới những giọt nước mắt, thiết lập một mối quan hệ của niềm tin giữa giáo viên và học sinh, giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề của chúng từ một người đi trước nhiều kinh nghiệm.

Nhận diện nỗi lo của trẻ bằng một chiếc khăn, một cái xoa xoa vỗ về, hoặc một ly nước, giáo viên có thể thảo luận thẳng thắn với trẻ để trao quyền quyết định cho chúng, giúp chúng học cách quản lý cảm xúc và phát triển nhận thức xã hội về hành vi.

LE - swimming time
Little Em’s Pre-school là mái nhà thứ hai của các bạn nhỏ để trải nghiệm và khám phá bản thân, từ đó trưởng thành và khôn lớn.

Phụ huynh cũng là một thành phần của cộng đồng Reggio Emilia. Do đó, để cùng con vượt qua nỗi sợ đi học, phụ huynh có thể khuyến khích và sáng tác một số “thần chú” khi tạm biệt con mỗi sáng, như “Gonna fly around the moon, gonna sing a silly tune, gonna be together soon”. Hoặc hướng dẫn các con tự tạo ra những mẩu chuyện với nhân vật là những người thân như ba, mẹ, ông, bà… đang chờ và sẵn sàng đón chúng sau giờ học. Tự thoại với bản thân cũng là một cách giúp trẻ bình tĩnh và nhận thức, phân tích những điều diễn ra xung quanh mình.

Không cố gắng kiểm soát tình huống, giáo viên Reggio Emilia Approach® nỗ lực thấu hiểu tầng nghĩa ẩn sau hành vi của trẻ để tìm kiếm nhu cầu thật sự của chúng, thông qua những đối thoại trực tiếp, như Loris Managuzzi từng chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một ngôi trường thân thiện, nơi trẻ em, giáo viên và gia đình cảm thấy như ở nhà. Một trường học với những suy nghĩ cẩn thận, kế hoạch chi tiết, đầy nguồn cảm hứng và nhiều điều thú vị. Nơi mọi người có thể hòa hợp với nhau và tăng cường tương tác giữa các mối quan hệ”, (Một Trăm Ngôn Ngữ Của Trẻ – Norwood, NJ: Ablex, 1993).

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn