NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ MẦM NON

Trẻ nhỏ vô cùng hiếu động nên rất dễ bị thương nếu bố mẹ lơ là, không chú ý thực hiện đúng các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ mầm non.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong hoặc những di chứng tàn tật kéo dài suốt cuộc đời của trẻ chính là tai nạn gây thương tích. Mặc dù hiện nay đã có nhiều biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ mầm non đã và đang được  thực hiện, thế nhưng số lượng trẻ em nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Tai nạn là hiện tượng mang yếu tố bất ngờ, khó lường trước và có thể gây ra những tổn thương trên cơ thể mà di chứng mang theo cả đời. Đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, trẻ thường hiếu động, nghịch ngợm, luôn tò mò muốn khám phá xung quanh mà lại chưa có đủ kiến thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn. Thế nên chỉ cần người lớn lơ là, bất cẩn thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Vậy cách phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em hiệu quả là như thế nào?

*Các nguyên nhân gây tai nạn thương tích phổ biến

  • Tai nạn giao thông: các va chạm ngoài ý muốn khi tham gia giao thông do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan gây nên;
  • Bỏng: là tổn thương da nhiều mức độ khi tiếp xúc với các loại chất lỏng, hơnước, khói với mức nhiệt cao, điện, lửa, tia cực tím, chất phóng xạ, chất hóa học;
  • Đuối nước: là tai nạn thương tích xảy ra khi cơ thể bị chìm trong nước ở các khu vực ao, hồ, sông, suối, bể bơi, biển,.. dẫn đến bị ngạt thở do thiếu oxy, nếu không sơ cứu kịp thời có thể bị ngừng tim, dẫn đến tử vong trong vòng 24 giờ hoặc cần chăm sóc y tế đặc biệt, và có thể gây ra nhiều biến chứng khác;
  • Điện giật: là tai nạn khi tiếp xúc với nguồn điện hở gây thương tích hoặc có thể dẫn tới tử vong;
  • Ngã: là tai nạn do bị ngã hoặc rơi từ trên cao xuống;
  • Động vật cắn: thương tích do bị động vật tấn công;
  • Ngộ độc: cơ thể bị nhiễm các loại độc tố từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong hoặc cần sự chăm sóc y tế;
  • Máy móc: là tai nạn xảy ra do tiếp xúc với máy móc;
  • Bạo lực: là tổn thương do bị cá nhân, nhóm người, cộng đồng khác sử dụng vũ lực hăm dọa, đánh đập;

Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến bé bị tai nạn và gặp chấn thương nhiều mức độ.  Người lớn cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh để hạn chế nguy cơ này.

Biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ mầm non

Để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em có thể xảy ra tại trường học hay ở nhà thì nhà trường cũng như bố mẹ cần chú ý quan sát và có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dưới đây:

Phòng tránh cho trẻ khỏi bị ngã

Trường học và nhà ở cần đảm bảo cơ sở vật chất tốt, tạo ra không gian an toàn cho trẻ, cụ thể:

– Đảm bảo sân trường, vườn, sàn nhà bằng phẳng, không trơn trượt;

– Hàng lang, cầu thang và cửa sổ luôn phải có tay vịn, lan can cao;

– Không cho trẻ tiếp cận tới những nơi có tường nhà hoặc dốc taluy có nguy cơ đổ sập, sạt lở. Nếu có những khu vực như vậy trong trường học thì cần tiến hành cải tổ, sửa chữa ngay, nếu ở gần nhà thì cần dặn dò và quan sát ngăn không cho trẻ chơi ở gần đó;

– Cây cao trồng trong sân vườn cần dựng bờ rào để ngăn cho trẻ không leo trèo;

– Bàn ghế bị hỏng hoặc lỏng lẻo không chắc chắn thì phải sửa chữa ngay;

– Các loại dụng cụ phục vụ việc tập thể dục thể thao của trẻ phải đảm bảo chắc chắn và an toàn khi sử dụng.

– Hướng dẫn trẻ đi chơi ở đúng nơi quy định.

Phòng ngừa bạo lực học đường

– Giáo dục ý thức cho con rằng không được xô đẩy, làm cho bạn khác bị đau;

– Không cho các con tiếp xúc với các vật dụng sắc nhọn nguy hiểm, có khả năng gây thương tích như dao, kéo, súng cao su, và các loại hung khí khác;

– Ở trường học, giáo viên cần quản lý, giám sát trẻ thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi và dạy các con biết đoàn kết, yêu mến nhau.

Phòng ngừa tai nạn giao thông

Tại trường học:

– Trường học phải có cổng, hàng rào. Luôn đóng cổng trong giờ học và giờ ra chơi, ngăn không cho trẻ chạy ra đường chơi, nhất là khi trường ở sát đường lớn;

– Phải có biển báo quy định các loại phương tiện cơ giới nào được phép được tiếp cận khu vực gần trường học;

Tại nhà:

– Bố mẹ cần dạy cho bé về luật an toàn giao thông cơ bản và luôn làm gương cho bé;

– Bố mẹ tới đón con hoặc đến trường học có việc thì không đi xe máy trong sân trường.

Phòng ngừa tai nạn do bỏng, nhiễm độc

– Tuyệt đối không để các loại đồ điện sinh nhiệt cao như bàn là, ấm đun nước trong phòng của trẻ.

– Hạn chế không cho trẻ vào khu vực bếp khi không có giám sát của người lớn. Không cho trẻ tiếp xúc với bếp nấu và các dụng cụ đun nấu.

– Luôn cất các loại thuốc và hóa chất ở nơi kín đáo, ngoài tầm với của trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ em tự ý uống thuốc mà không có chỉ thị của bác sĩ.

Phòng ngừa đuối nước

– Bố mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ em rèn luyện thể lực thường xuyên, đặc biệt là cần học bơi.

– Khi cho trẻ đi bơi, bố mẹ phải dặn dò và hướng dẫn trẻ tuân thủ quy tắc an toàn.

  • Tuyệt đối không cho trẻ một mình đi tới khu vực ao hồ, sông suối.
  • Ở vùng lũ, khi trẻ đi học qua khu vực sông suối thì phải có người lớn đi cùng và đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Khi di chuyển trên vùng sông nước thì bắt buộc phải mặc áo phao bảo hộ;
  • Giếng và bể nước phải có thiết kế nắp đậy an toàn.

Phòng ngừa điện giật

– Các loại bảng điện phải lắp trên cao, luôn có nắp che kín các ổ điện ở tầm thấp.

– Thường xuyên kiểm tra các đồ dùng bằng điện xem có hư hỏng hay bị hở dây điện hay không;

Phòng ngừa ngộ độc thức ăn

– Không cho trẻ ăn các món quà vặt lạ, xuất xứ không có nguồn gốc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các hàng rong xung quanh cổng trường;

– Luôn sử dụng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, chế biến sạch sẽ;

– Luôn chuẩn bị sẵn tủ thuốc cấp cứu trong hộ gia đình và trường học;

Có rất nhiều nguy cơ dẫn tới tai nạn ở trẻ em, nhẹ thì bị chấn thương, nặng thì có thể dẫn tới tàn tật hoặc thậm chí là tử vong. Chính vì thế, người lớn cần chú ý quan sát khi trông trẻ, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ mầm non. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần trang bị cho kiến thức và các kỹ năng cơ bản để có thể tự bảo vệ bản thân.

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn