Hướng Tiếp Cận

Hướng tiếp cận Reggio Emilia®️, một hướng tiếp cận học tập dựa trên sự tò mò, coi trọng niềm tin rằng trẻ em là những công dân mạnh mẽ, có năng lực và đầy sáng tạo, luôn tràn đầy sự ngạc nhiên và tò mò trong việc học. Hướng tiếp cận này tin rằng trẻ em có một động lực tự nhiên khiến các em muốn hiểu và biết về thế giới xung quanh mình và cách mà thế giới này liên quan đến mình. Mỗi đứa trẻ mang theo sự tò mò sâu sắc, tiềm năng, và chính sự tò mò bẩm sinh này thúc đẩy sự quan tâm của các em để hiểu thế giới và vị trí của mình trong đó. Trẻ em được cho là có khả năng xây dựng các cách nghiên cứu và học tập của riêng mình, từ việc chơi đến các trải nghiệm học tập thực tế khác.
Để hiểu rõ hơn về Hướng tiếp cận Reggio Emilia®️, hãy cùng khám phá các nguyên tắc cơ bản của Hướng tiếp cận này:

1. TẤT CẢ TRẺ EM ĐỀU CÓ NĂNG LỰC, TÒ MÒ VÀ SÁNG TẠO

Cốt lõi của Hướng tiếp cận Reggio Emilia®️ là khái niệm về sự ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên khơi gợi quá trình học tập và là một phẩm chất không thể thiếu trong tất cả trẻ em. Giáo viên Reggio xem trẻ em như những nhà khoa học tự nhiên; được thúc đẩy bởi sự tò mò, với kỹ năng quan sát tuyệt vời và khả năng hình thành các lý thuyết mạnh mẽ về thế giới xung quanh các em. Giáo viên xem việc thể hiện sáng tạo của trẻ (đặc biệt trong giai đoạn chưa biết chữ) như là cách thức trẻ truyền đạt những gì các em hiểu về thế giới.

2. VIỆC HỌC DIỄN RA TRONG MỘT HỆ THỐNG MỐI QUAN HỆ

Giáo viên Reggio tin rằng khi trẻ chia sẻ sự ngạc nhiên với các bạn khác, cha mẹ hoặc giáo viên, các em sẽ tham gia vào một quá trình học tập phong phú và sâu sắc hơn. Sự hợp tác gia tăng cam kết của trẻ đối với chủ đề và mở rộng các cơ hội học tập bằng cách bao gồm nhiều quan điểm khác nhau. Trong trường học, khi “sự ngạc nhiên nhóm” này được giáo viên hướng dẫn thông qua các câu hỏi và kích thích thay vì giải thích hay trình bày, trẻ em hầu như luôn có thể kết nối với chủ đề.

Chúng tôi tập trung vào việc tạo ra một cộng đồng hợp tác và một môi trường học tập, nơi trẻ em là trung tâm của lớp học và giáo viên được coi là những người đồng sáng tạo, nhà nghiên cứu, người ghi chép và người bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

3. CÂU HỎI VÀ QUAN TÂM CỦA TRẺ LÀ NỀN TẢNG CHO KINH NGHIỆM HỌC TẬP

Sự ngạc nhiên, hợp tác và chia sẻ ý tưởng gieo mầm cho sự phát triển của chương trình học. Ví dụ, trong một cuộc thảo luận ban đầu về bầu trời, một bạn có thể chia sẻ kiến thức về các hành tinh hoặc mặt trăng (dẫn đến việc nghiên cứu về các hành tinh và ngôi sao), trong khi một trẻ khác có thể muốn làm một cuốn sách tranh về những con vật tưởng tượng từ đám mây (một cơ hội để phát triển nghệ thuật và kỹ năng đọc viết). Điều quan trọng là, giáo viên sẽ không can thiệp vào cuộc thảo luận của trẻ để “phân biệt sự thật và hư cấu”, hay đưa ra câu trả lời. Thay vào đó, giáo viên sẽ mở rộng và tập hợp các ý tưởng để trình bày lại với nhóm, giúp phát triển lý thuyết. Qua đó, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em xây dựng kiến thức và “hình ảnh” của chính mình.

4. TRẺ THỂ HIỆN BẢN THÂN QUA “HÀNG TRĂM NGÔN NGỮ”

Trong các trường học truyền thống, trẻ em thường được đánh giá qua khả năng thể hiện bằng ngôn ngữ nói và viết, vì phần lớn các bài kiểm tra đều dựa trên những kỹ năng này. Tại Little Em’s, tất cả các hình thức diễn đạt và thế hiện kiến thức đều được đánh giá một cách công bằng và là yếu tố cơ bản trong việc phát triển trẻ toàn diện.

5. TÀI LIỆU THỰC HÀNH SƯ PHẠM (DOCUMENTATION) GIÚP TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN GHI NHỚ VÀ PHẢN ÁNH CÁC TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP

Trong suốt quá trình học, giáo viên ghi chép lại trải nghiệm của trẻ em qua các bức ảnh, ghi chú, video và các hình thức nghệ thuật khác. Những tài liệu này được tổng hợp và chia sẻ thành các tài liệu thực hành sư phạm, tập trung vào quá trình học tập thay vì sản phẩm cuối cùng.

Khi sử dụng hướng tiếp cận giáo dục này, trẻ có thể dành thời gian để học hỏi, khám phá hoặc quay lại và tiếp tục tìm hiểu một nghiên cứu hoặc chủ đề quan tâm khi cần thiết. Đây là một hướng tiếp cận dựa trên việc lắng nghe thay vì nói; nơi mà sự không chắc chắn và ngạc nhiên được chào đón như một yếu tố quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học và các phương pháp suy luận giống như một thám tử.

Chúng tôi luôn ghi nhớ rằng tất cả trẻ em đều là những người học bình đẳng, chúng tôi để trẻ học hỏi qua những sai lầm thay vì sửa chữa giúp cho các em. Khác với các chương trình khác, nơi giáo viên phải ghi chép về sự phát triển của học sinh qua các “Báo cáo Đánh giá”, chứng cứ học tập được ghi chép thông qua các bài viết, ảnh chụp và video trong suốt năm học. Điều này cho phép trẻ, cha mẹ và giáo viên nhận thấy sự phát triển, tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện và lập kế hoạch cho học tập trong tương lai.

Mặc dù Hướng tiếp cận Reggio Emilia®️ được áp dụng cho các trường mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non, khi phụ huynh hiểu rõ hơn về các nguyên tắc chung, hướng tiếp cận này có thể được áp dụng tại nhà. Do đó, việc áp dụng hướng tiếp cận này từ những năm tháng đầu đời cũng giúp phụ huynh tham gia nhiều hơn vào việc giáo dục và thời thơ ấu của trẻ.

NHỮNG ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TẠI LITTLE EM’S

Là một trường học Việt Nam, chúng tôi dạy trẻ em về cội nguồn lịch sử và văn hóa của dân tộc để trẻ có thể hiểu mình là ai và đến từ đâu.

Chúng tôi là một trường song ngữ, với phương pháp giảng dạy thông qua việc hòa nhập ngôn ngữ, giúp trẻ học tiếng mẹ đẻ, nhưng cũng học tiếng Anh, ngôn ngữ của thế giới.

Chương trình giáo dục của chúng tôi là liên ngành và dựa trên các dự án, phần lớn được thực hiện thông qua các dự án STEAM hấp dẫn, giúp trẻ phát triển niềm đam mê với Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học. Trong các dự án toàn diện này, giáo viên đóng vai trò là người cùng lập kế hoạch, người hỗ trợ, cộng tác viên, người quan sát, người tạo sự ngạc nhiên và người ghi chép để thu hút trẻ, chính là trung tâm của quá trình học, quan sát, thắc mắc, giải quyết vấn đề, ngạc nhiên và sáng tạo. Tính chất của các dự án có thể rất đa dạng, từ khoa học đến nghệ thuật, ví dụ như xây dựng một thành phố từ đá cuội đến nghiên cứu các đặc điểm của ánh sáng, từ việc tạo ra một nhạc cụ từ đá và đất sét đến việc biểu diễn một buổi múa rối bóng. Các dự án này giúp trẻ phát triển cả hai bán cầu não và tất cả “hàng trăm ngôn ngữ” của các em.

Các dự án được thiết kế cho mọi trẻ em, bao gồm cả trẻ em có quyền đặc biệt, được hòa nhập vào chương trình của chúng tôi, nơi sự khác biệt của các em được chào đón và tôn trọng.

Trẻ em là trung tâm của tất cả các hoạt động. Giáo viên truyền cảm hứng cho sự tò mò của trẻ, tạo động lực cho trẻ từ bên trong, giúp trẻ tiếp thu và hình thành sự hiểu biết về thế giới xung quanh mình.

Trong quá trình học, giáo viên sẽ ghi lại trải nghiệm của trẻ qua ảnh, ghi chú, video và các hình thức nghệ thuật khác. Những dữ liệu này sẽ được tổng hợp, chia sẻ với trẻ và cha mẹ để xem lại quá trình trải nghiệm, nhận diện sự phát triển của trẻ, từ đó tạo điều kiện cho việc giao tiếp và lập kế hoạch học tập cho trẻ trong tương lai.

Mỗi ngày nên là một ngày khám phá mới trong mắt của trẻ thơ. Trẻ em nên và cần cảm nhận sự phấn khởi mỗi ngày và thế giới xung quanh có biết bao điều tuyệt vời đang chờ các bé khám phá, dù đó chỉ là một con giun đất trong bùn, hay một bông hoa vừa mới nở trong vườn, những thứ đơn giản xung quanh chúng ta, mà đôi khi chúng ta không chú ý. Đối với một đứa trẻ, cuộc sống hàng ngày là một món quà, mỗi ngày là một trải nghiệm mới. Little Em’s áp dụng Hướng tiếp cận Reggio Emilia, một hướng tiếp cận giảng dạy và học tập thông qua các dự án, dành cho trẻ ở lứa tuổi mầm non. Giáo viên sử dụng “emergent curriculum”, thông qua sở thích, ý tưởng và những câu hỏi bất chợt của trẻ để giảng dạy. Thông qua các dự án, cô giáo và các em có nhiều hơn cơ hội để thảo luận, ra quyết định, lựa chọn, hợp tác và đánh giá. Dự án có thể ngắn, có thể kéo dài, nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí là vài tháng, dựa trên sở thích và sự hưởng ứng từ các em học sinh. Thông qua các dự án, giáo viên cũng xây dựng, chuẩn bị các kế hoạch giảng dạy kế tiếp, hệ thống kiến thức, cũng như các trải nghiệm giáo dục, kết hợp với những kiến thức từ các môn học có liên quan như âm nhạc, nghệ thuật, toán và khoa học, kỹ năng vận động, biểu cảm,…Phương pháp giáo dục Reggio Emilia cũng có thể tích hợp vào các chương trình giảng dạy của các trường công, kinh nghiệm giảng dạy trên thực tế đang triển khai và bổ sung thêm các chương trình như: nghệ thuật, âm nhạc và chuyển động, ngôn ngữ và văn hóa…. Các công việc của trẻ mỗi ngày được xem như thành quả học tập và đều được ghi nhận thông qua các hồ sơ cá nhân, trải nghiệm học tập thực tế cũng được truyền đạt thông qua các bảng thông tin dự án, các ghi chép, ghi chú hàng ngày,…Trải nghiệm học tập cũng bao gồm những buổi tham quan, dã ngoại cho phép các bé có thể mở rộng kiến thức thông qua tương tác với môi trường và cộng đồng. Mỗi buổi tham quan trải nghiệp sẽ cung cấp thêm cơ hội nghiên cứu và thu thập thông tin, hiện thực hóa các vấn đề đã học trong cuộc sống thực tế, giúp củng cố kiến thức đã học một cách sâu sắc nhất. Hướng Tiếp cận
  • Chương trình giáo dục kết hợp một cách đa dạng và mượt mà các môn khoa học với nghệ thuật, thể thao, và các loại hình văn hoá dân gian.
  • Nội dung hoạt động được thiết kế phù hợp với những trẻ có nhu cầu đặc biệt, giúp các em hiểu rằng mỗi cá nhân đều đặc biệt, và chúng ta nên tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt của nhau và phát triển trong điều kiện khác biệt đó.
  • Trẻ em là trung tâm của mọi hoạt động. Giáo viên là người khơi gợi trí tò mò, tạo động lực thúc đẩy cho trẻ từ bên trong, từ đó giúp trẻ tiếp thu và tự hình thành sự hiểu biết về thế giới xung quanh.
  • Môi trường chính là người thầy của trẻ, vì vậy chúng tôi thiết kế xưởng nghệ thuật, phòng nghiên cứu, vườn cây xanh, sân thể thao, hồ bơi… để trẻ em khám phá, ngạc nhiên và phát triển được cách tìm hiểu về thế giới và năng lực đặc thù của mỗi em.
  • Nguồn gốc lịch sử và văn hóa của chúng ta làm cho chúng ta đặc biệt và độc đáo và sẽ tạo cho chúng ta lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác. Chính vì vậy, niềm tự hào nguồn cội của trẻ là một trong những phẩm chất được chú trọng phát triển tại Little Em’s.
  • Trong suốt quá trình học, giáo viên sẽ ghi nhận lại các trải nghiệm của trẻ bằng hình ảnh, ghi chú, video và bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Những dữ liệu này sau đó được tổng hợp, chia sẻ cho trẻ và phụ huynh để tất cả cùng nhìn lại quá trình trải nghiệm, nhận ra được sự phát triển, từ đó tạo điều kiện cho việc trao đổi và lập kế hoạch học tập của bé trong tương lai.