Reggio khác biệt gì với STEAM?

Nhiều ý tưởng, nội dung cải cách học hỏi từ thế giới như Reggio Emilia, Montessori, Glenn Doman, Steiner, STEAM… đã phát triển phong phú và mạnh mẽ, mang đến những sắc màu đa dạng trong hệ thống trường mầm non Việt Nam hiện tại.

Các trường học, địa phương, giáo viên đã trở thành chủ thể năng động được tự chủ nội dung, hướng tiếp cận và phương pháp giáo dục của mình. Tuy nhiên, rất nhiều thực tiễn giáo dục không thể thực hiện được hoặc khi thực hiện đã không thể có kết quả như mong đợi, thậm chí gây ra thêm rối loạn.

Vấn đề của triển khai một phương pháp giáo dục không nằm ở việc chọn lựa “nhập khẩu” chương trình quốc tế nào để ứng dụng; thay vào đó là dựa trên việc thấu hiểu, hiện thực hóa triết lý giáo dục và cơ sở lý luận riêng của nền giáo dục Việt Nam.

Được chính thức công nhận là trường mầm non đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy theo Hướng tiếp cận Reggio Emilia (Reggio Emilia Approach®), Trường Mầm non Thế giới Mặt trời (Little Em’s Pre-school) giới thiệu tuyến bài viết về các phương pháp giáo dục hiện đại, cung cấp cho phụ huynh thông tin hữu ích để phân biệt các chương trình khác nhau, từ đó có cái nhìn cận cảnh về cách ứng dụng Reggio Emilia Approach® trong bối cảnh Việt Nam.

Sự hợp tác và những mối quan hệ trong cộng đồng là một trong những điểm nổi bật của Reggio Emilia Approach®.

Reggio Emilia Approach® và STEAM

Một trong những câu hỏi mà phụ huynh quan tâm nhiều nhất hiện nay là: Reggio Emilia Approach® và phương pháp STEAM có gì khác nhau? Cả hai đều học thông qua trải nghiệm, học trên dự án, kết hợp cả tính khoa học và tính nghệ thuật, với nhiều nguyên vật liệu, nuôi dưỡng sự sáng tạo…

Reggio Emilia Approach® do Loris Malaguzzi (1920-1994) – nhà tâm lý học người Ý phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20 và được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía Bắc của đất nước Ý.

Trong khi đó, STEAM là ý tưởng sáng tạo ban đầu của Trường Thiết kế Rhode Island (Mỹ, 2008), sau đó được sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục học và dần dần lan rộng ra toàn nước Mỹ. Phương pháp này ứng dụng tương tác đa chiều vào giảng dạy, là sự kết hợp giữa STEM (Khoa học – Science, Công nghệ – Technology, Kỹ thuật – Engineering, và Toán học – Mathematics) và Nghệ thuật (Art).

Nhìn chung, vùng giao thoa giữa Reggio Emilia Approach® và phương pháp STEAM là: cả hai đều có mục tiêu, dễ dàng triển khai ở độ tuổi từ 0-6 tuổi; chú trọng đến nghệ thuật; mang đến những trải nghiệm đa chiều, đa dạng các chất liệu và bối cảnh để trẻ có thể khám phá, thẩm thấu và học hỏi; phát huy khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm…

Những học cụ, vật liệu trong lớp học Reggio Emilia Approach® tại Little Em’s Pre-school là những vật liệu thiên nhiên, thô sơ, đơn giản, mang tính nghệ thuật và khơi gợi sự sáng tạo, khám phá nơi trẻ.

Reggio Emilia Approach® – trẻ là trung tâm lớp học

Khi đi sâu vào chi tiết, cả hai khái niệm đều có những đặc điểm tương phản độc đáo. Điểm nổi bật nhất là sự khác biệt giữa định danh “hướng tiếp cận” (Reggio Emilia) và “phương pháp” (STEAM).

Cụ thể hơn, trụ cột của Reggio Emilia Approach® là 7 nguyên lý nền:

  1. Hình ảnh của đứa trẻ (trẻ là chủ thể xây dựng việc học của bản thân)
  2. Trẻ em là những người cộng tác và học tập thông qua tương tác trong nhóm và cộng đồng
  3. Trẻ em là những người giao tiếp tự nhiên, khi sinh ra đã có sẵn 100 ngôn ngữ, mang trong mình những tài năng tiềm ẩn, sự tò mò, với khả năng tự học thông qua việc tìm tòi, khám phá
  4. Môi trường là người thầy thứ ba
  5. Giáo viên là người bạn đồng hành, người nuôi dưỡng và hướng dẫn giúp các học sinh khám phá theo những sở thích của các em, cũng là người nghiên cứu và sáng tạo chương trình dựa trên sự lắng nghe và thấu hiểu đối với từng trẻ làm việc trên các dự án ngắn và dài hạn
  6. Documentation (Quá trình ghi nhận sự phát triển)là yếu tố quan trọng trong giao tiếp và tự hiện thực hóa bản thân của học sinh

Từ định nghĩa trên, có thể thấy Reggio Emilia Approach® là một triết lý giáo dục và hướng tiếp cận tập trung vào bậc mầm non và tiểu học. Trong đó, học sinh là trung tâm của trường học, là người xây dựng nên chương trình học của chính mình, trải nghiệm khám phá trong những môi trường đa dạng, kết nối với người khác. Khác với các lớp học truyền thống, ở lớp học Reggio trẻ được tự do tiếp cận các dụng cụ, vật liệu học tập, và bối cảnh xung quanh cũng truyền cảm hứng, khuyến khích và khơi gợi ở trẻ sự hứng thú học tập.

Giáo viên Reggio Emilia Approach® thường cung cấp những vật liệu nguyên bản và có tính nghệ thuật như màu nước, đất sét, phấn, than, cọ vẽ, len, lá khô, gỗ, đá, nút áo… để học sinh được thử nghiệm, trải nghiệm trong lớp học.

Reggio Emilia Approach® hướng đến năng lực giải quyết vấn đề, kết nối với cộng đồng và môi trường xung quanh, chào đón những trải nghiệm mới, xây dựng kỹ năng xã hội, thể hiện bản thân với sự tự tin và tận hưởng niềm vui học tập của trẻ.

Một hoạt động kể chuyện múa bóng tại Little Em’s Pre-school theo Reggio Emilia Approach®, từ đó trẻ hiểu thêm các yếu tố và nguyên lý khoa học, óc tưởng tượng, năng lực tư duy logic và phát triển ngôn ngữ.

STEAM – những kỹ năng thực tế

Ở mặt khác, STEAM viết tắt cho Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Nghệ thuật (Arts) và Toán (Math). STEAM bao gồm 4 chữ C trụ cột trong giáo dục thế kỷ 21: sáng tạo (Creativity), hợp tác (Collaboration), tư duy phản biện (Critical Thinking) và giao tiếp (Communication).

Do đó, STEAM phản ánh cuộc sống thực tế, ở đó trẻ được dạy cách vận dụng kiến thức, khả năng nghiên cứu và kỹ năng cá nhân để giải quyết vấn đề. Các hoạt động trong lớp học STEAM khá đa dạng, có thể kể đến như trẻ ghi nhận các đặc điểm của thời tiết trong bảng khảo sát hàng tuần, vận dụng khoa học và toán học vào việc tìm hiểu, thu thập dữ liệu và nghiên cứu; hoặc đưa ra các vật liệu cụ thể như kéo, giấy, hồ dán và yêu cầu học sinh sáng tạo thành một chiếc máy bay hoặc xe hơi…

STEAM dần trở thành xu hướng chủ đạo trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi tốc độ tăng trưởng của công nghệ và khoa học đặt ra nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực tương lai. STEAM đáp ứng và khuyến khích kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, trí tưởng tượng và sự sáng tạo cần thiết trong những lĩnh vực khác nhau của thời đại.

Một trong những hạn chế của Reggio Emilia Approach là phụ huynh sẽ khó nắm bắt con mình học được gì cụ thể tại trường, do không nhìn thấy bài tập về nhà của trẻ, hoặc không có giáo án chi tiết hay tài liệu dạy học sinh đọc chữ, đếm số,… Tuy nhiên, phụ huynh vẫn có thể theo dõi quá trình học tập và phát triển của con về cả mặt tư duy lẫn thể chất thông qua Hồ sơ tài liệu (Documentation), từ đó nhận thức được khả năng trải nghiệm của con mình và cùng giáo viên, nhà trường định hướng sự phát triển của trẻ.

Điều này tạo nên sự khác biệt với Reggio Emilia Approach®, trong đó học sinh sẽ tự sáng tạo nội dung học tập của riêng mình, trẻ là trung tâm của lớp học và chú trọng những mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, môi trường xung quanh.

Tại môi trường Reggio Emilia Approach®, trường học là người thầy thứ ba giúp trẻ gần gũi và hiểu biết thêm về thế giới tự nhiên, bối cảnh địa phương nơi mình lớn lên.

Những năm tháng tuổi thơ giàu trải nghiệm

Có thể thấy, STEAM và Reggio Emilia Approach® có mối liên kết chặt chẽ và khó có thể tách rời hoàn toàn. Mặc dù với tên gọi và bối cảnh ra đời khác nhau, cả hai khái niệm đều tập trung vào việc xây dựng kiến thức, sự khám phá và hợp tác của học sinh.

Vì thế, tại Little Em’s Pre-school, việc triển khai Reggio Emilia Approach® căn cứ trên chương trình khung của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn đầu ra về giáo dục phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ… Nhiều nội dung STEAM cũng được ứng dụng vào các hoạt động trong và ngoài lớp.

Little Em’s vận dụng một cách sáng tạo mô hình giáo dục Reggio Emilia Approach® phù hợp với Việt Nam: Định hướng, tạo động lực từ bên trong mỗi em; xây dựng bản sắc cá nhân trong cộng đồng; tự hào nguồn cội, tạo môi trường học như “người thầy thứ 3”.

Những năm tháng đầu đời của trẻ là khoảng thời gian những ký ức về cảm giác được ghi nhận rõ rệt nhất. Chọn lựa một môi trường giáo dục đa dạng bối cảnh để trải nghiệm, nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên, cộng đồng xung quanh và văn hóa, bản địa truyền thống… sẽ góp phần tạo nên một tuổi thơ tươi đẹp cho trẻ.

Dù với Reggio Emilia Approach® hay với STEAM, học sinh đều vẽ nên cho mình một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc, giàu trải nghiệm và đây sẽ là những hành trang cần thiết cho tương lai, giúp trẻ phát triển bản thân, tìm hiểu thế giới, kết hợp sự sáng tạo nghệ thuật cùng với các môn khoa học tư duy để các em thích nghi và dẫn đầu trong thế giới toàn cầu hóa mà vẫn giữ gìn được niềm tự hào dân tộc.

 

 

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn