Trong đôi mắt trẻ thơ, chỉ với một miếng gỗ, một cọng thun, trẻ đã có thể nghĩ ra vô số trò chơi đùa cả ngày không chán, có thể kể hàng ngàn câu chuyện thú vị với đủ tình tiết hấp dẫn, và hơn cả – có thể chia sẻ để kết bạn và phát triển các kỹ năng xã hội.
Đồ chơi là giáo cụ thường xuất hiện trong môi trường học tập của trẻ mầm non. Trong nền kinh tế văn hóa tiêu dùng, thị trường đồ chơi luôn ra mắt đa dạng các sản phẩm mới, tích hợp điện tử, chi tiết hóa và nhiều tính năng hiện đại. Trẻ con có xu hướng thích khám phá điều mới nên thường bị thu hút bởi các video clip review đồ chơi, bóc hộp trên các kênh Youtube.
Hãy nhớ lại những ngày tháng chúng ta còn bé, đồ chơi của chúng ta là tất cả những gì chúng ta cầm trên tay.
Theo TS. Shelley Lindauer (Đại học Bang Utah, Mỹ) việc có quá nhiều đồ chơi có thể dẫn đến hiện tượng “quá tải đồ chơi”, khiến cho trẻ bị “ngợp” và từ đó bị lơ đãng. Trẻ khó tập trung vào một việc nhất định, chóng chán, dễ dàng từ bỏ thứ đang làm để chuyển sang thứ mới. Nó còn khiến trẻ không biết học cách quý trọng những đồ vật của mình hay có trách nhiệm để giữ gìn những đồ chơi của chúng.
Mặt khác, những nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo, Mỹ đã chỉ ra rằng trẻ sẽ sáng tạo hơn rất nhiều nếu xung quanh chỉ có ít đồ chơi. Họ đã quan sát 36 trẻ chơi trong khoảng thời gian 1 tiếng và phát hiện thấy rằng những trẻ chơi với ít đồ chơi hơn tập trung và sáng tạo hơn khi chơi.
Những đứa trẻ có ít đồ chơi hơn học được cách phát triển các mối quan hệ với những đứa trẻ khác và với người lớn. Trẻ học được cách lắng nghe – nói chuyện trong một cuộc đối thoại.
Trẻ con không thỏa mãn với những món đồ đã hoàn thiện và chẳng liên quan gì đến mình. Bạn có thể mua cho chúng một chiếc tàu hỏa điều khiển tự động đắt tiền, nhưng cái mà chúng hứng thú là tháo tung đường ray và lắp ghép lại theo ý mình.
Trong lớp học Little Em’s Pre-school, trường mầm non Reggio Emilia Approach® đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, đồ chơi chỉ là những đồ vật gần gũi với cuộc sống xung quanh, kích thích óc sáng tạo vốn có sẵn trong mỗi đứa trẻ. Đồ chơi là tất cả những thứ có trong lớp học, là đất nặn, là giấy, là màu, nhưng cũng là miếng gỗ, là chiếc lá, là hòn đá, là nước, là ánh sáng, là bóng, là dây…
Những đồ chơi này có một đặc điểm chung, đó là: nếu để nguyên đơn thuần, chúng chẳng có hình thù đặc sắc gì, chỉ là một mớ nguyên liệu. Những nguyên liệu này tạo ra cảm giác thích thú khi sờ vào, và tuyệt đối an toàn với sức khỏe của trẻ. Nhưng chính sự công phu và sáng tạo của trẻ sẽ tạo nên những hình thù độc đáo và ngộ nghĩnh.
Khi đưa cho trẻ một ít đất nặn và không có bất cứ chỉ dẫn nào, trẻ sẽ không thể nặn ra bất kỳ hình thú có ý nghĩa nào, chỉ đơn thuần là cầm nắm. Tuy nhiên, sau một hồi trẻ nghịch ngợm, cục đất nặn sẽ biến dạng. Hình thù hoàn toàn khác với trạng thái ban đầu này hiện ra trước mắt trẻ, đây hẳn là một sự khám phá mới mẻ, một trải nghiệm quý báu với trẻ.
Bằng thú chơi này, trẻ sẽ biết “nhớ” dần những cảm nhận xúc giác, niềm thích thú khi động chạm vào cục đất như thế nào, để rồi lặp đi lặp lại thao tác đó nhiều lần. Trẻ sẽ học được một cách trực quan mối quan hệ tương quan giữa việc dùng tay chạm vào vật và vật đó biến dạng.
Dần dần trẻ sẽ nhận thức ra rằng chỉ bóp qua bóp lại cục đất sét không còn thú vị nữa, trẻ sẽ bắt đầu biết trải rộng cục đất ra, và “Đây là cái đĩa”, kéo dài nó và “Đây là con rắn”, cứ như thế trẻ sáng tạo thêm nhiều hình thù khó hơn. Chính những cách chơi này là những hạt giống giúp trẻ phát triển khả năng đa dạng của bản thân, đáp ứng với những nhu cầu ngày càng cao ứng với mỗi giai đoạn phát triển. Một đứa trẻ được làm quen với đất nặn từ sớm và một đứa trẻ không như vậy, giữa hai đứa trẻ này khi lớn lên sẽ khác nhau hoàn toàn về khả năng tạo hình khối và năng lực mô phỏng sự vật.