IB PYP CORNER: 4 BƯỚC PHÁT TRIỂN TRẺ TRỞ THÀNH “INQUIRER – NGƯỜI HỌC TÒ MÒ”

Nhằm nuôi dưỡng trẻ trở thành “Inquirer – Người học tò mò” theo Chương trình học quốc tế IB PYP, giáo viên lớp Waves (5 – 6 tuổi) đã cho học sinh tiếp cận phương pháp Inquiry Learning Circle, giúp các bạn phát triển năng lực hỏi và nghiên cứu một đối tượng cụ thể.

 

1. Chân dung “Inquirer – Người học tò mò” là ai? 

Theo khung chương trình quốc tế IB PYP, Hồ sơ Người học đóng vai trò không thể thiếu. Hồ sơ của người học bao gồm mười thuộc tính mà hệ thống các trường IB trên thế giới công nhận và muốn nuôi dưỡng ở người học, cho phép học sinh phát triển một cách bản sắc và toàn cầu.

 

Inquirer – Người học tò mò” luôn thắc mắc và đặt câu hỏi về thế giới. Bản chất việc tò mò và quan tâm có thể giúp phát triển các kỹ năng tìm hiểu và nghiên cứu. Những học sinh tò mò, ham học hỏi biết cách học độc lập và cũng có thể học cùng với người khác. Các con thích học hỏi và khám phá những điều mới và sẽ mang theo tình yêu học tập này trong suốt cuộc đời.

Giáo viên Little Em’s luôn khuyến khích trẻ đặt câu hỏi về thế giới xung quanh thông qua đôi mắt của bản thân. Nếu con đang tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi nào đó, giáo viên sẽ là người bạn đồng hành cùng con nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp, thay vì đưa ra câu trả lời sẵn có.

 

2. Trẻ lớp Waves (5 – 6 tuổi) làm quen với phương pháp “Inquiry Learning Circle” trong quá trình phát triển Project “Cây Gòn”

Một cách tình cờ, khuôn viên của trường Little Em’s có một cây gòn cao lớn. Vào mùa sai quả, trái gòn nứt nẻ và bông gòn bay cao, lơ lửng khắp nơi tựa “hoa tuyết của đất trời”.​

 

Sự tò mò trước khung cảnh đó đã thôi lớp Waves bắt đầu Project “Cây Gòn”. Với vai trò là người hỗ trợ, các giáo viên đã xây dựng góc Inquiry Learning Circle với mong muốn định hướng cho trẻ cách nghiên cứu đúng đắn về một đối tượng cụ thể. 

 

Phương pháp “Inquiry Learning Circle” gồm bốn bước:

  • Bước 1: Wonder ask questions (Đặt câu hỏi)
  • Bước 2: Observe. Look closely (Quan sát)
  • Bước 3: Make predictions (Đưa ra câu trả lời)
  • Bước 4: Experiment – Try out your best guesses (Cùng nhau hành động)

 

Xuyên suốt quá trình thực hiện từ bước 1 đến bước 4, cả lớp sẽ liên tục đặt ra nhiều câu hỏi dựa trên sự tò mò của mỗi bạn, sau đó quan sát và trao đổi câu trả lời. Những “thử thách” nảy sinh khi các bạn cùng nhau “hiện thực hóa” câu trả lời bằng hành động (bước 4) có thể dẫn dắt trẻ đặt lại những câu hỏi (bước 1). Vì thế, giáo viên đã vẽ các bước thành một vòng tròn (Circle) với mũi tên móc nối nhau, để trẻ hiểu được tính vòng lặp của phương pháp này.

Góc Inquiry Learning Circle là một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển Project “Cây Gòn”. Cả lớp đã nhờ thầy cô hỗ trợ ghi toàn bộ những câu hỏi thắc mắc, cách thức nghiên cứu và câu trả lời lên trên góc tường này, để các con tổng hợp thông tin dễ dàng hơn.

 

Việc thiết kế vòng tròn Inquiry Learning Circle ở một góc dễ quan sát trong lớp sẽ giúp trẻ nhanh chóng tiếp cận, hiểu rõ và ghi nhớ từng bước, giúp các bạn xác định đúng phương hướng khi nghiên cứu về một đối tượng cụ thể.

 

  • Bước 1: Wonder ask questions

Lần đầu quan sát cây gòn, các bạn nhỏ lớp Waves đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Giáo viên của lớp ghi nhận những câu hỏi đa dạng như sau: 

  • Sài Gòn còn bao nhiêu cây gòn?
  • Còn cây gòn trên Trái Đất này không? Còn nhiều không?
  • Vì sao cây gòn mất đi?
  • Sao người ta không chặt cây này đi? (ý chỉ cây gòn duy nhất trong khuôn viên Little Em’s)
  • Mọi người có biết tên Sài Gòn là từ cây gòn mà có không?

Những câu hỏi tò mò thúc đẩy trẻ tìm hiểu sâu về một đối tượng cụ thể: cây gòn.

Khi tới mùa sai quả, khung cảnh bông gòn bay khắp trời đã thu hút sự chú ý của các bạn lớp Waves. Một số bạn cố gắng bắt lấy, một số chỉ đứng yên và quan sát. Các con bắt đầu nhận diện cây gòn trong khuôn viên của trường Little Em’s. Từ sự tò mò và quan tâm, cả lớp đặt câu vô vàn câu hỏi về ý nghĩa loài cây và bắt đầu hành trình tìm đáp án.

 

  • Bước 2: Observe. Look closely

2.1. Thu thập thông tin từ những quan sát ban đầu

Lớp Waves đã tạo một cuộc khảo sát thông tin đơn giản, sau đó mời nhân viên nhà trường và phụ huynh cùng tham gia. Cả lớp tò mò rằng liệu mọi người có biết thành phố Sài Gòn được đặt tên theo cây gòn hay không. Ngoài ra, các bạn cũng mời gọi mọi người chia sẻ bất kỳ kỷ niệm nào từ thời thơ ấu liên quan đến cây gòn. 

Khi nhận được lời mời tham dự khảo sát từ lớp Waves, nhiều người lớn chia sẻ đã bất ngờ và ngạc nhiên vì chưa bao giờ thực sự tìm hiểu về nguồn gốc tên thành phố của mình.

 

2.2. Đào sâu nghiên cứu với câu chuyện cảm động về hành trình tồn tại của cây gòn

Giáo viên đã hỗ trợ mở rộng nguồn tìm kiếm thông tin thông qua sách báo và mạng Internet. Lớp Waves ấn tượng nhất là câu chuyện về bác Nhân – một người dân sống ở Sài Gòn lâu năm chia sẻ những kỉ niệm về cây gòn. 

 

Bác Nhân chia sẻ rằng, tuổi thơ của bác gắn bó với loài cây thân yêu này. Từ thuở chơi đùa dưới gốc cây cùng bạn bè, làm những chiếc gối êm ái và đồ chơi từ bông gòn. Đến khi lớn lên và chiến tranh xảy ra, bác trở thành một người lính và bị thương khi ra trận. “Gòn” lúc này được dùng rất nhiều trong công tác chữa trị và y tế.​ 

 

Tuy nhiên khi chiến tranh kết thúc, cây cối bị đốn hạ để người dân xây dựng lại nhà cửa. Từ câu chuyện của bác Nhân, các bạn nhỏ có thêm cơ hội hiểu biết sâu sắc về giá trị của việc bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên trong quá trình phát triển đô thị.​

Dù không được gặp mặt bác Nhân, các bạn nhỏ lớp Waves rất muốn gửi lời cảm ơn đến bác vì đã mang đến cho mọi người câu chuyện đầy cảm xúc và nhiều thông tin bổ ích về cây gòn.

 

  • Bước 3: Make predictions

Sau khi thu thập các thông tin từ khảo sát của phụ huynh, nhân viên nhà trường và câu chuyện ý nghĩa của chú Nhân, cả lớp cùng nhau ngồi lại và thảo luận sôi nổi. Các bạn nhỏ dần đưa ra được câu trả lời cho những câu hỏi ban đầu: tại sao cây gòn đã ít đi; có nhiều người biết tên Sài Gòn lấy từ cây gòn không… Đây chính là thành tựu sau thời gian dài cả lớp cùng nhau tìm hiểu và khám phá.

Cả lớp đã cùng nhau đọc các phiếu khảo sát và lập biểu đồ thống kê cho câu hỏi “Mọi người có biết tên Sài Gòn là từ Cây Gòn mà có không?”. Các bạn nhỏ nhận thấy rằng rất nhiều người không biết về nguồn gốc tên thành phố Sài Gòn.

 

Sau khi đọc những lời chia sẻ của người lớn, các con nhận ra cây gòn là hình ảnh ý nghĩa trong tuổi thơ của họ. Những câu chuyện chân thành này đã giúp các con kết nối hơn với thế hệ trước.

 

Tập thể lớp cùng nhau thiết kế bảng “Theo dòng sự kiện” về cây gòn dựa trên lời kể của bác Nhân từ “ngày xửa ngày xưa” cho đến “sau chiến tranh”. Như vậy các bạn sẽ dễ dàng xâu chuỗi thông tin dựa theo mốc thời gian và trả lời cho câu hỏi “Vì sao cây gòn mất đi?”.

 

Từ những dữ liệu thu thập trực tuyến, giáo viên hỗ trợ lớp làm bảng định vị những cây gòn vẫn còn ở thành phố Hồ Chí Minh. Bảng cho thấy chỉ còn một số ít loài cây đầy tính biểu tượng này ở mỗi quận trong thành phố. Các con đã có lời giải đáp cho câu hỏi tiếp theo “Sài Gòn còn bao nhiêu cây gòn?”.

 

  • Bước 4: Experiment – Try out your best guesses

Nhận thấy nhiều người vẫn chưa biết về cây gòn, các bạn nhỏ quyết định chia sẻ rộng rãi câu chuyện, thông tin sau một thời gian tìm hiểu và khám phá. Project “Cây Gòn” đã được các con truyền đạt một cách sáng tạo thông qua các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm “Hành trình khám phá”.

Bảng thảo luận của lớp Waves về ý tưởng kể lại câu chuyện cây gòn cho mọi người tại buổi triển lãm. Giáo viên đã giúp ghi lại ý tưởng của các bạn nhỏ.​

 

Bảng “Dòng sự kiện của cây gòn” cũng được trưng bày tại Triển lãm. Ba mẹ đã rất ngạc nhiên trước cách cả lớp tổng hợp thông tin bản thân tìm kiếm.

 

Bảng “Định vị cây gòn ở Sài Gòn” đã giúp ba mẹ nhận ra số lượng cây hiện nay còn rất ít ở mỗi quận trong thành phố.

 

Lớp Waves đã có một buổi học Artelier với cô Đoan – Atelierista/ Cố vấn nghệ thuật theo Reggio Emilia Approach®, các bạn đã trải nghiệm tạo hình cơ bản bằng dây kim loại với kìm cắt và kìm mũi nhọn. Cả lớp cùng nhau sáng tạo các nhân vật và sự vật để quay video tái hiện lại câu chuyện ý nghĩa của bác Nhân với cây gòn.

 

Bên cạnh quay video, tập thể lớp cùng nhau sử dụng các nguyên vật liệu thiên nhiên, kết hợp với màu sắc để vẽ nên bức tranh về cây gòn. Tiềm năng sáng tạo trong quá trình truyền tải hình ảnh cây gòn thân thuộc đến mọi người của lớp Waves là không giới hạn.

 

Các bạn lớp Waves đã nhặt rất nhiều bông gòn để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện rõ bản sắc của con. Mẹ của bạn Cún (Bá Hưng) thích thú lưu giữ tác phẩm Cún sử dụng bông gòn để tái hiện cây gòn một cách sinh động.

 

Giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ và quan sát con trong quá trình triển khai Project. Các thầy cô ghi nhận tỉ mỉ từng bước đi của con bằng ghi chú, hình ảnh, video… Sau đó tổng hợp lại thành Documentation trưng bày tại không gian Triển lãm. Qua đó truyền cảm hứng để ba mẹ “sống” lại trong câu chuyện của các con một lần nữa. 

 

3. Project “Cây Gòn” đã kết nối các thế hệ gia đình ở lớp Waves như thế nào?

Không chỉ đơn thuần là tìm kiếm thông tin, các hoạt động tương tác thông qua quá trình đặt câu hỏi – đưa ra câu trả lời giữa trẻ – ba mẹ – ông bà xuyên suốt Project đã giúp các thành viên trong gia đình trở nên gắn kết hơn. 

 

Ba mẹ của Kul (Chính Hy) gửi lời cảm ơn đến Project vì đã cho gia đình nhiều thông tin hữu ích và ý nghĩa về Sài Gòn – thành phố mình sinh sống và lớn lên. Ba mẹ còn chia sẻ cả nhà đã cùng nhau đọc sách và tìm hiểu thêm trong quá trình Kul cùng các bạn xây dựng Project. Đây là đề tài thú vị để gia đình Kul có dịp trò chuyện và cùng nhau tạo nên kỉ niệm đẹp.

 

Mẹ của Poly (Phúc Khang) chia sẻ rằng “Cây Gòn” trở thành đề tài yêu thích các thành viên trong gia đình. Poly thích thú lắng nghe những câu chuyện, kỉ niệm về cây gòn từ lời kể của bà và mẹ, từ đó cảm nhận hình ảnh cây gòn được khắc họa rõ nét như thế nào trong ký ức của ba mẹ và ông bà. Kết nối thế hệ bằng cách chia sẻ những kỷ niệm ý nghĩa là một trong những cách gắn kết sâu sắc nhất.

Gia đình Kul (Chính Hy) đã có những khoảng “thời gian chất lượng” bên nhau khi cùng đọc sách và tìm hiểu thông tin hay về cây gòn. Cây gòn cũng trở thành chủ đề kết nối các thành viên trong cuộc hội thoại hàng ngày.

 

Thông qua quá trình phát triển Project “Cây Gòn”, tập thể lớp Waves đã khắc họa rõ nét chân dung Inquirer – Người học tò mò của IB PYP. Sự tò mò và thích học hỏi sẵn có ở trẻ đã thôi thúc con khám phá thế giới thông qua phương pháp Inquiry Learning Circle. Project đã giúp cho các “mặt trời nhỏ” hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Sài Gòn, nuôi dưỡng trong con tình yêu với thành phố nơi con sinh ra và lớn lên. Bên cạnh đó, cây gòn còn là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình, giúp các thành viên thấu hiểu và trân trọng trải nghiệm của nhau nhiều hơn.

Share on facebook
Facebook
Share on linkedin
LinkedIn