Sau “cơn sốt” hội nhập và quốc tế hóa chương trình đào tạo, các nhà giáo dục đang tìm về vẻ đẹp nguyên bản của văn hóa và truyền thống dân tộc. Xu hướng bản địa hóa, tích hợp các giá trị bản sắc đã trở thành nền tảng cốt lõi trong nền giáo dục hiện đại.
Trong khi hệ thống giáo dục Việt Nam nỗ lực tiệm cận các tiêu chuẩn cấp tiến của giáo dục thế giới, tại các nước đang phát triển, giáo dục lại quay về nguồn gốc, cội rễ của quốc gia mình. Nếu không xác định được danh tính và hệ giá trị bản thể của dân tộc, học sinh – đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ chương trình – sẽ gặp khó khăn trong tiến trình hội nhập với thế giới.
Văn hóa truyền thống là bệ phóng tư duy và kỹ năng
Có thể nói, văn hóa truyền thống là bệ phóng vững chắc giúp phát triển tư duy và kỹ năng cho trẻ, đặc biệt ở độ tuổi mầm non, tiểu học. Trong đó, quá trình tự giáo dục của trẻ diễn ra trong ba môi trường: gia đình, trường học và cộng đồng xung quanh.
Thông qua các mối liên hệ giữa con người với tự nhiên, con người với con người, và con người với chính mình, trẻ dần hình thành nhân cách, thế giới quan, nhân sinh quan và hệ thống tri thức của riêng mình.
Vì văn hóa bản địa thuộc một phần tất yếu trong đời sống trưởng thành, trẻ dễ dàng “học để biết, học để làm, học để chung sống” (mục tiêu giáo dục của UNESCO). Thấu hiểu điều đó, nhiều quốc gia đã phát triển khung chương trình đào tạo dựa trên những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Tại Nhật Bản, do hệ tư tưởng mang đậm dấu ấn truyền thống, đạo đức là nhân tố trọng yếu trong hành trình xây dựng triết lý giáo dục. Những bài học đầu tiên trong môn Nhật ngữ nhấn mạnh vào văn hóa chào hỏi (Aisatsu).
Bên cạnh đó, nhiều bộ môn truyền thống được bồi dưỡng chuyên sâu trong chương trình rèn luyện năng khiếu tại nhà trường, hoạt động câu lạc bộ, các giải đấu và lễ hội: thư pháp (Shodo), thơ ca (Haiku), trà đạo, võ thuật (Karate, Judo, Aikido, Sumo), bắn cung, chơi cờ, kịch nghệ (Kabuki)…
Trong khi đó, so sánh với lịch sử ngàn năm và tài nguyên thiên nhiên trù phú của Việt Nam, đảo quốc sư tử Singapore mới trải qua 200 năm phát triển với diện tích đất nước khá khiêm tốn. Tuy nhiên, giáo dục Singapore đã thành công trong việc vực dậy tinh thần yêu nước, ý thức chính trị – xã hội, những hiểu biết về lịch sử, văn hóa cho học sinh.
Ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore nhấn mạnh: “Nó không phải là một hệ thống hai đường truyền thống, với một con đường học tập và một con đường nghề nghiệp, mà là một hệ thống đa đường. Cách tiếp cận của chúng tôi là thông qua giáo dục tính cách và giáo dục công dân – một nền tảng cơ bản của hệ thống giáo dục Singapore”. Qua đây, học sinh chịu trách nhiệm trong gia đình và trong cộng đồng, nhận thức được vai trò của mình trong việc quyết định tương lai của đất nước và trong đóng góp cho thành công của khu vực.
Nhu cầu bản địa hóa
Văn hóa truyền thống Việt Nam có rất nhiều nét đẹp đáng tự hào: lòng thành kính, tôn thờ tổ tiên, hiếu thảo; lòng yêu đồng bào, đất nước, thiên nhiên; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng phụ nữ và người lớn tuổi; văn hóa làng xã… Để giáo dục giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, học sinh Việt Nam, đặc biệt ở độ tuổi mầm non, tiểu học cần bắt đầu từ ngôn ngữ, lối sống, ẩm thực, trang phục, tập quán, lịch sử, tri thức thành tựu văn hóa Việt…
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Việt Nam đang thiếu hụt những chương trình đào tạo về lịch sử, văn hóa, truyền thống một cách thực chất, bài bản…
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, duy trì và phát huy những giá trị tinh túy của văn hóa dân tộc để ta vẫn là ta không chỉ là yêu cầu bức bách trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới mà còn tạo nên bức tranh nhiều màu sắc, tạo nên vẻ đẹp về tính đa dạng của nền văn hóa thế giới.
Ở Việt Nam, giáo dục văn hóa truyền thống không chỉ đơn thuần mang tính chất “về nguồn” mà phải tiến đến việc thấu hiểu một cách sâu sắc và đúng đắn những mặt tích cực của vốn văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó giáo dục cần định hướng những mặt hạn chế, không phù hợp, đưa ra phương pháp lựa chọn trong bối cảnh, trong điều kiện xã hội mới.
Trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc tạo nên giá trị độc lập của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình toàn cầu hóa. Thay vì chỉ chú trọng đến phát triển kiến thức và kỹ năng, các khía cạnh khác của giáo dục tổng thể phải giúp học sinh nhận thức sâu sắc và có thái độ ứng xử phù hợp về các giá trị xã hội, văn hóa, đạo đức, tinh thần của dân tộc mình.